Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN SƠN TỊNH

Mô hình tưới nước cho cây sắn (mỳ) tại xã Tịnh Hà đạt năng suất 35 tấn/héc ta

12/10/2020 16:49    246

Mô hình tưới nước cho cây sắn (mỳ) tại xã Tịnh Hà đạt năng suất 35 tấn/héc ta

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện tưới tiêu Nhật Bản tổ chức mô hình tưới nước cho cây sắn (mỳ) tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Sau thời gian thực hiện, đến nay mô hình đã được nghiệm thu với năng suất mỳ đạt 35 tấn/héc ta. 
Mô hình tưới nước cho cây mỳ được thực hiện tại thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà với quy mô 5 héc ta, có 38 hộ tham gia, sử dụng giống mỳ KM94. Lượng giống trồng 18.000hom/héc ta (900kg/sào); kỹ thuật trồng, hàng cách hàng 0,9 mét, cây cách cây 0,6 mét. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 01/2020 đến cuối năm 2020, thời gian trồng từ ngày 31/12/2019 đến ngày 10/01/2020. Mô hình sử dụng 80 tấn phân chuồng + 200kg Ure + 400kg phân lân + 200kg kali để bón cho 1 héc ta. Thời gian bón phân được chia làm 2 lần: bón lót và bón thúc lần 1 trước khi trồng, bón thúc lần 2 sau 60 ngày. Mô hình tưới nước cho cây mỳ thực hiện 3 lần tưới nước gồm: tưới nước chăm sóc lần 1 cách thời gian trồng hơn 1 tháng, tưới nước chăm sóc lần 2 cách thời gian trồng hơn 2 tháng, tưới nước chăm sóc lần 3 giai đoạn hình thành củ. Giống mỳ KM94 có thời gian từ trồng đến nảy mầm khoảng 12 ngày, tỷ lệ nảy mầm đạt hơn 94%, sức sinh trưởng khá. Kết quả, sau thời gian 9 tháng thực hiện, mô hình tưới nước cho cây mỳ tại thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà đã thu hoạch với năng suất đạt 35 tấn/héc ta, vượt so với mục tiêu đề ra 10 tấn/héc ta. Đây là năm thứ 2 thực hiện mô hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ củ mỳ tươi của mô hình nên bà con nông dân tham gia mô hình không lo đầu ra của sản phẩm.

 

Mô hình tưới nước cho cây mỳ tại xã Tịnh Hà đạt năng suất 35 tấn/héc ta
Để thực hiện mô hình, Viện Tưới tiêu Nhật Bản đã hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống kênh tưới, đường giao thông nội đồng, mua giống và vật tư, phân bón; còn lại người dân tham gia mô hình đóng góp bằng ngày công lao động và phân chuồng. Cánh đồng chọn làm mô hình trồng sắn được dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng đảm bảo cho sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc tưới nước. Nông dân tham gia mô hình phải tuân thủ quy trình sản xuất cây mỳ dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi. 
Có thể khẳng định rằng, mô hình tưới nước cho cây mỳ bước đầu đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc trồng mỳ có tưới nước theo nhu cầu cây trồng cũng như tuân thủ quy trình kỹ thuật trong thâm canh cây mỳ. Góp phần thay đổi tập quán sản xuất của nông dân trồng mỳ không tưới nước, không theo hướng thâm canh; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho hộ nông dân trồng mỳ có tưới nước. Thành công của mô hình không chỉ mở ra cho nông dân xã Tịnh Hà mà còn ở các vùng lân cận hướng canh tác cây mỳ mới hiệu quả hơn trước.
 

Đức Văn

ipv6 ready