Trang thông tin điện tử

Huyện Sơn Tịnh

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VỀ VỚI LÀNG RÈN MINH KHÁNH, XÃ TỊNH MINH

Nằm ven sông Trà, không chỉ nổi tiếng là vùng đất lịch sử có nhiều vị Tướng tài ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà đến nay, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh còn nổi tiếng với làng rèn Minh Khánh đã tồn tại hơn 300 năm. Mặc dù, trong nền kinh tế hội nhập mở cửa, sức cạnh tranh rất lớn, nhưng người dân làng rèn Minh Khánh vẫn nỗ lực duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đáng quý vừa giữ nguyên giá trị nghề rèn của cha ông xưa vừa nâng cao vị thế nghề nghiệp trong nền công nghiệp hiện đại ngày nay.

Ông Nguyễn Hữu Lý đang mài sản phẩm rựa

Ông Nguyễn Hữu Lý, sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề rèn ở thôn Minh Khánh. Tính đến ông là 5 đời, vừa lao động kiếm sống, vừa muốn lưu giữ nghề truyền thống của gia đình. Sinh năm 1973, ông Lý bắt đầu theo cha học nghề từ năm lên 10 tuổi, đến nay ông có hơn 40 năm trong nghề. Ông Lý cho biết làm nghề rèn không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn phải có sự kiên trì, chịu khó, có kỹ năng và khéo léo. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng có giá trị sử dụng cao, ông phải thực hành qua nhiều công đoạn, từ chọn sắt, chặt sắt cho vào lò rèn, nung nóng, đập nguội, tạo dáng đến các khâu cuối như làm chuôi, tra cán, mài, dũa… Nghề rèn vất vả, nặng nhọc, nhưng đã theo nghề thì rất yêu nghề.

Ông Trương Văn Minh bên lò rèn của gia đình

Do có nhiều nơi đặt hàng nên lò rèn của gia đình ông sản xuất liên tục và thực hiện nhiều sản phẩm như dao, rựa, cuốc, xẻng…Hiện tại, công việc làm ăn của gia đình ông Lý đã ổn định. Sản phẩm của gia đình ông ngoài tiêu thụ trong tỉnh còn mở rộng đến các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Nha Trang… Trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng ông sản xuất khoảng 20 sản phẩm các loại, nếu trừ các khoản chi phí như sắt, than, cán…ông còn thu về trên 500 ngàn đồng. Sản phẩm rèn truyền thống của ông Lý đã đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ngãi.

Gia đình ông Minh đầu tư máy móc làm sản phẩm từ nghề rèn để giảm bớt sức lao động và tăng năng suất làm việc

Cách nhà ông Lý không xa là xưởng lò rèn của gia đình ông Trương Văn Minh, 59 tuổi. Ông Minh quê ở xã Tịnh Bắc, ông theo quê vợ về làng rèn Minh Khánh đã hơn 38 năm. Sau khi lấy vợ sinh con, vợ chồng ông chuyên sản xuất các loại dụng cụ lưỡi liềm để mưu sinh. Để làm được chiếc liềm, gia đình ông phải trải qua rất nhiều công đoạn như chọn nguyên liệu từ những thanh thép thô sơ, sau đó tiến hành cắt thành từng miếng liềm theo kích thước. Tiếp theo là công đoạn rèn qua lửa. Bước đến là mài rồi làm nguội, đánh lưỡi cưa, tạo răng liềm và tôi. Mỗi ngày gia đình ông bắt đầu công việc từ lúc sáng sớm. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông làm được khoảng 40 chiếc liềm và bán ra khoảng 30 ngàn đồng/chiếc.

Ngày nay số lượng người làm nghề rèn tại thôn Minh Khánh không còn nhiều như trước, nhưng những thợ rèn còn lại ở nơi đây vẫn nặng lòng với nghề truyền thống của cha ông nên luôn gắng công gìn giữ. Hiện tại, làng rèn xóm 6 thôn Minh Khánh hiện còn 50 hộ làm nghề. Theo xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều hộ làm rèn đã đầu tư máy móc để giảm bớt sức lao động và tăng năng suất làm việc. Mỗi một sản phẩm, người thợ rèn nơi đây đều dành vào đó rất nhiều tâm huyết, vì vậy cho dù mẫu mã vẫn chưa bắt mắt bằng các loại sản phẩm công nghiệp nhưng chất lượng thì được người tiêu dùng chấp nhận và ưu tiên lựa chọn. Trung bình mỗi năm làng rèn Minh Khánh sản xuất khoảng trên 200 ngàn sản phẩm, chủ yếu là rựa, liềm, dao, xẻng, cuốc, búa…Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được xuất bán ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Với sự nỗ lực phát huy những giá trị truyền thống, làng rèn Minh Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2014. Đặc biệt, năm 2023, sản phẩm của làng nghề được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh.

Với tinh thần cần cù, chăm chỉ, gìn giữ và trân trọng nghề cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, hội đoàn thể, hy vọng làng rèn truyền thống Minh Khánh tiếp tục được phát triển, vừa góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình vừa bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

                                                           


Tác giả: Thu Phượng – Kim Cúc

Giới thiệu

Hệ thống tổ chức

Tiếp công dân - PA, KN

BẢN ĐỒ HUYỆN

Lịch công tác tuần

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 6
Hôm nay: 496
Hôm qua: 3.507
Năm 2025: 1.179.984
Tất cả: 1.179.998