Truy cập nội dung luôn

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN SƠN TỊNH

Vang mãi những chiến công hào hùng

05/05/2022 15:42    474

Ban liên lạc truyền thống C289 thắp hương trên phần mộ liệt sĩ đại đội 289 tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Tịnh Sơn

.

Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, nhưng những chiến công thời trẻ của các chiến sĩ ở đơn vị C289, một trong những đơn vị xuất sắc nhất của lực lượng vũ trang huyện Sơn Tịnh luôn luôn mãi còn đọng lại trong kí ức. Chính những câu chuyện, những chiến công, hồi ức của họ trong những trận chiến tham gia  thời kỳ chống Mỹ là minh chứng sống động, chân thực nhất về năm tháng chiến tranh để thế hệ hôm nay và mai sau mãi mai ghi nhớ, tri ân. 
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến các chú, các cô ở Đại đội 289 năm xưa. Hiện nay, số người đã từng tham gia đơn vị 289 sinh sống ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, với khoảng 150 người. Ông Trần Thanh Ba - Trưởng Ban liên lạc truyền thống C289 cho biết: Nhằm kéo dài và kết thúc cuộc chiến tranh trên danh dự, trong những năm 1969-1970 thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, mà xương sống là chương trình “Bình Định nông thôn”, Mỹ - Ngụy tập trung, sử dụng lực lượng cỡ trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, liên tục càn quét, đánh phá, chiếm đóng các đồi núi cao để chốt điểm, khống chế vùng giải phóng, âm mưu đánh trắng đất, xúc hết dân vào các khu dồn, ấp chiến lược hòng tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Trước tình hình đó, nhằm củng cố và tăng cường lực lượng cho bộ đội địa phương, đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong tình hình mới, huyện Sơn Tịnh quyết định thành lập Đại đội bộ binh “Ba Gia Quyết thắng 1”, sau này gọi là Đại đội 289 tại Rừng Sằm, thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà vào ngày 28/9/1971. Buổi đầu thành lập Đại đội có 74 đồng chí, trong đó có 50 tay súng trực tiếp chiến đấu, được phiên chế thành 3 trung đội bộ binh, 1 trung đội hỏa lực, các tổ hậu cần, trinh sát, liên lạc và Ban chỉ huy đại đội. Cán bộ chiến sỹ tham gia Đại đội khi ấy tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 14 – 20 tuổi. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Đại đội học vấn còn thấp, con em nông dân, “rời chiếc roi là cầm cây súng”, nhưng tất cả đều chung một chí hướng quyết tâm chiến đấu tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Bắt đầu từ đây cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. 
Đã 51 mùa xuân trôi qua kể từ ngày thành lập, nhưng ông Trần Thanh Ba - Chính trị viên Đại đội vẫn khắc sâu kỷ niệm về những trận đánh đầy gian khổ mà anh dũng. Trải qua gần 4 năm, với 1.300 ngày, đêm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, Đại đội C289 vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh, du kích và đội công tác các xã khu tây Sơn Tịnh tổ chức đánh địch 150 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 4 đại đội, 15 trung đội,.., hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá banh 6 khu dồn, giải phóng hàng chục ngàn người dân trở về quê cũ. 
Ông Bùi Văn Trừ, người trực tiếp tham gia trận đánh chốt điểm cầu Bồ Đề (cầu kênh), Quận lỵ Sơn Tịnh ngày 21/11/1971 với chiến thuật đặc công “bí mật bất ngờ, áp sát” kể lại: Với quyết tâm đã ra quân là chiến thắng, sau gần 2 tháng huấn luyện, được sự chỉ đạo của Huyện ủy và Huyện đội Sơn Tịnh, Ban chỉ huy Đại đội 289 quyết định chọn mục tiêu đánh trận đầu tiên tiêu diệt trung đội nghĩa quân ở chốt điểm cầu Bồ Đề, trên Quốc lộ 1A, cách trung tâm Quận lỵ Sơn Tịnh khoảng 500 mét về phía bắc, do 1 trung đội nghĩa quân canh giữ, có công sự lô cốt kiên cố với 5 lớp rào kẽm gai, gài nhiều mìn và lựu đạn. Sau một thời gian chuẩn bị nghiên cứu địa hình, mục tiêu, nắm rõ tình hình địch, 14 chiến sĩ được giao nhiệm vụ, chia thành 2 mũi, mũi chủ yếu và mũi thứ yếu. Ông Trừ cùng với 3 anh em là Quyền, Hồng, Định tham gia mũi thứ yếu. Ông và đồng đội phải lội qua dòng kênh nước lạnh buốt giữa mùa đông để tấn công đầu cầu phía Nam. Tất cả tuyệt đối bí mật, bất ngờ và áp sát đảm bảo an toàn đến giờ G. Đúng 1 giờ sáng ngày 21 tháng 11 năm 1971, các chiến sĩ đã đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp chống cự. Chưa đầy 7 phút đồng hồ, quân ta tiêu diệt hoàn toàn 1 trung đội địch, thu 20 súng các loại. Ông Trừ chia sẻ: “Khi tham gia vào Đại đội 289 tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 17 tuổi, nhưng với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bản thân luôn trong tư thế chiến đấu, không hề run sợ”. 
Dịp này, khi nhắc đến các trận đánh Rừng Sằm, chốt Đá Dê Tịnh Thọ, Núi Chợ, Núi Nhàn, cầu Bồ Đề, chốt 47 Tịnh Sơn…. ánh mắt các cô, các chú chợt sáng lên và hào hứng kể lại những trận đánh oai hùng, gan dạ, dũng cảm của Đại đội, các cô, các chú thuộc vanh vách từng tên đất, tên làng mình đã đi qua. Đơn vị đã vận dụng sáng tạo và thực hiện tổng hợp tất cả các hình thái chiến thuật trên chiến trường như đánh đặc công cả ban đêm, ban ngày, đánh chống càn, đánh vận động xuất kích trong vùng địch, đánh xung hỏa kết hợp trên cao điểm chốt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đại đội C289 trong kháng chiến chống Mỹ đã có nhiều chiến công xuất sắc, nhiều chiến sỹ đã hi sinh anh dũng trên chiến trường. Toàn đơn vị có 44 đồng chí hi sinh và hàng chục cán bộ, chiến sĩ bị thương.
Với những thành tích đạt được, cán bộ, chiến sĩ C289 được Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 6 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 12 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, Năm 1973 được Quân khu V tặng Cờ đơn vị Quyết thắng; 10 chiến sĩ được Tỉnh đội Quảng Ngãi tặng danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng, 42 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được các cấp tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen và giấy khen các loại. Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sỹ Đại đội 289 năm xưa mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, được đảng tin yêu, dân mến. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ những đồng đội bị ốm đau, bệnh tật, gặp hoàn cảnh khó khăn. 

 

Ban liên lạc truyền thống C289 thăm, tặng quà cô Phan Thị Bông, chiến sĩ đại đội 289 có hoàn cảnh khó khăn
Cô Phan Thị Bông (68 tuổi), là thương binh hạng 3, ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp sau khi phục viên, trở về quê hương tham gia sản xuất nông nghiệp,  nhưng vào năm 2011 do vết thương trong chiến tranh tái phát đã làm ảnh hưởng đến 2 mắt cô bị mù,  cô lại mắc bệnh hở van tim nên sức khỏe giảm sút, kinh tế khó khăn. Với tình cảm, tình đồng chí, vào sinh ra tử có nhau trong chiến đấu, các chiến sĩ đại đội 289 đã thể hiện tinh thần sẻ chia, thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà để tiếp cho cô có thêm nghị lực trong cuộc sống. Trong những năm qua, Ban liên lạc đã thành lập Quỹ nghĩa tình đồng đội từ nguồn đóng góp của anh em trong Đại đội 289. Từ số tiền này, đã trao hàng trăm suất quà cho các đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất quà trị giá từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng; hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng nhà ở cho 1 đồng đội bị bệnh hiểm nghèo; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà bà Nguyễn Thị Tín (95 tuổi), ở xã Tịnh Sơn là mẹ của liệt sĩ Bùi Văn Tuân, chiến sĩ Đại đội 289,…

 

Ban liên lạc truyền thống C289 thăm, tặng quà bà Nguyễn Thị Tín
Giờ đây, tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng những chiến công hào hùng của đơn vị C289 ngày nào, cũng như phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những tình cảm, tình đồng đội, đồng chí vẫn luôn đọng mãi với thời gian.
 
 

Thu Phượng - Kim Cúc

ipv6 ready